Ảnh: Dư Minh Chiến
Các ghe tàu đều được trang hoàng cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu… như một thuyền hoa. Trong những ghe tàu lớn nhỏ ra biển, có một cụm tàu chính gồm 3 chiếc kết lại thành đoàn (người ta gọi là tàu thủy lực), tàu này có nhiệm vụ chở Ban tổ chức, các vị chức sắc, học trò lễ…
Trên những chiếc tàu chạy ra biển tham gia Nghinh Ông, khách trên tàu dù lạ hay quen cũng đều được chủ tàu mời ăn uống miễn phí, du khách sẽ được thỏa thích ngắm biển cả bao la, ngắm nhìn từng đoàn tàu với cờ hoa rực rở, ngắm từng đợt sóng ôm ấp mạn thuyền và được nghe các vạn chài kể về truyền thuyết Cá Ông cứu người trên biển.
Từng đoàn tàu tham gia Nghinh Ông đều chạy ra biển theo hướng Hòn Chuối và không giới hạn thời gian hay khoảng cách từ đất liền ra biển. Tàu chạy khi nào đến lằn ranh nước trong thì người chánh lễ làm thủ tục khấn vái, thắp hương và “xin keo”, khi xin “được keo” thì tàu quay về và đem những lọ nước biển trong lành về Lăng Ông thờ cúng.
Theo tín ngưỡng dân gian của ngư dân Sông Đốc, thời điểm rước Ông về Lăng là thời khắc linh thiêng nhất để mọi nhà đem hương án, gồm: nhang đèn, trái cây, gà vịt, heo quay… ra trước cửa nhà cúng lễ nhằm thể hiện lòng tôn kính “Ðức Ông Nam Hải”.
Ngoài những nghi lễ truyền thống, tại Lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc còn diễn các trò chơi dân gian như: đánh cờ tướng, đẩy gậy, kéo co, múa lân, múa kiếm; và tổ chức hội thao: đánh bóng chuyền, bóng đá…
Lễ Hội Nghinh Ông ở Sông Đốc là một nét đẹp văn hoá, là niềm tin của ngư dân về linh vật biển được duy trì bao đời nay.
Source: Khả Quyên
Reader Comments
Newer articles